Mông Cổ sẵn sàng cho việc hoạt động trở lại mỏ than Tavan Tolgoi
Mỏ than Tavan Tolgoi được đánh giá là mỏ than cốc chất lượng cao lớn nhất thế giới với trữ lượng ước tính 7,5 tỷ tấn. Để khai thác trở lại mỏ than này, đầu tiên, công ty Nhà nước Erdenes Tavan Tolgoi (ETT), hiện đang nắm giữ quyền khai thác mỏ, đã đánh giá hồ sơ thầu và tính toán mức lợi nhuận về kinh tế khi mỏ được khai thác trở lại.
Theo ông Samdandobji Ashidmunkh, chuyên viên kinh tế chính của ETT, công ty không loại trừ bất kỳ cơ hội nào. Nếu như việc khai thác mỏ này thực sự mang lại lợi ích cho công ty và nền kinh tế Mông Cổ, thì việc hợp tác với bất kỳ đối tác nào để khai thác mỏ đều có thể xảy ra.
Được biết, Mông Cổ hiện có một trữ lượng khoáng sản chưa khai thác có giá trị khoảng 1,3 ngàn tỷ USD. Tuy nhiên, do giá cả khoáng sản giảm sút bị ảnh hưởng do nền kinh tế Trung Quốc chậm phát triển, mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài giảm do các chính sách thiếu nhất quán và những bộ luật không thu hút đầu tư, hiện quốc gia đông Á này cần phải thu hút các nhà đầu tư vào ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên. Hiện Mông Cổ cũng đang yêu cầu các công ty hiện đang làm việc tại các dự án nỗ lực đưa các dự án sớm vào khai thác, đặc biệt là mỏ đồng – vàng Oyu Tolgoi của công ty Rio Tinto.
Tháng trước, chính phủ Mông Cổ đã tiết lộ kế hoạch xây dựng một lực lượng đặc biệt để giải quyết tình trạng nền kinh tế kiệt quệ, dẫn đến tăng trưởng chậm, đồng tiền mất giá và thâm hụt ngân sách.
Ngay cả khi áp dụng những biện pháp cắt giảm chi phí do đảng Nhân dân Mông Cổ đề ra sau khi thắng cử hồi tháng Bảy, Mông Cổ đã phải đối mặt với mức chênh lệch giữa mức thu nhập 2,67 tỷ USD và mức chi tiêu 4,9 tỷ USD, một mức thâm hụt tương đương với 18% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Năm 2011, Hội đồng An ninh quốc gia Mông Cổ đã từ chối công ty Peabody Energy của Mỹ, công ty Shenhua của Trung Quốc và một liên doanh Nga – Mông Cổ, chỉ hai tháng sau khi các công ty này tuyên bố thắng thầu. Và vào năm ngoái, quốc hội nước này tiếp tục loại bỏ hợp đồng ký với một tập đoàn các công ty nước ngoài gồm Shenhua Energy (Trung Quốc), Sumitomo Corp. (Nhật Bản) và Mongolian Mining Corp. (MMC), quan tâm đến việc triển khai mỏ Tavan Tolgoi. Tuy nhiên, các công ty này vẫn hy vọng có thể tiếp tục dự án này. Bên cạnh đó, chính phủ mới được thành lập tại Mông Cổ cũng hy vọng thực hiện nghiên cứu thỏa thuận đầu tư có thể hỗ trợ cho việc khai thác mỏ Tavan, bao gồm việc xây dựng một nhà máy điện theo một dự án liên doanh với công ty Marubeni của Nhật Bản và một hợp đồng nợ chưa trả của ETT với Tập đoàn sản xuất nhôm Chalco của Trung Quốc./