Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ việt Nam trở thành thành viên thứ 41 của Hội Mỏ Thế giới – Một số thông tin về Hội Mỏ thế giới và Hội Mỏ Ba Lan

Nhận lời mời của Ban chấp hành trung ương Hội Mỏ Ba Lan, trong những ngày đầu tháng 9 vừa qua Trung ương Hội KH & CN Mỏ Việt Nam đã cử đoàn cán bộ sang thăm và làm việc với Hội Mỏ Ba Lan.

Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ việt Nam trở thành thành viên thứ 41 của Hội Mỏ Thế giới – Một số thông tin về Hội Mỏ thế giới và Hội Mỏ Ba Lan

Nội dung chuyến đi bao gồm: Dự cuộc họp của Ban Chấp hành Hội Mỏ thế giới kết nạp Hội Mỏ Việt Nam là thành viên; dự Hội nghị Mỏ và thăm triển lãm công nghiệp mỏ thế giới; thăm và làm việc với Tổng cục Mỏ Ba Lan, thăm Công ty than Weglowa S.A. và Mỏ than hầm lò KWK Marcel. Trong những ngày ở thăm và làm việc tại Ba Lan, đoàn đại biểu của Hội KH&CN Mỏ Việt Nam đã được đón tiếp với tình cảm ấm áp, chân tình và trọng thị. Sau đây là một vài thông tin ghi nhận được từ chuyến đi.

1- 13giờ30 phút giờ Warsawa (tức là 8giờ30 phút giờ Hà Nội), ngày 6 tháng 9 năm 2008 sẽ mãi là một dấu mốc quan trọng đối với Hội Mỏ Việt Nam. Vào thời điểm này tại thành phố Kracow - Ba Lan, Uỷ ban Tổ chức quốc tế Hội Mỏ thế giới (World Mining Congress International Organizing-IOC) đã biểu quyết thông qua việc kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 42 của Hội Mỏ Thế Giới.

Theo Điều lệ của Hội, các uỷ viên của Uỷ ban Tổ chức quốc tế Hội Mỏ Thế giới do các nước thành viên cử ra, mỗi nước từ 3-4 người trong đó có một Trưởng đoàn và một Uỷ viên phụ trách liên lạc. Uỷ ban Tổ chức quốc tế Hội Mỏ Thế giới mỗi năm họp một lần, luân phiên tại các nước thành viên. Năm 2009, IOC sẽ họp tại thành phố St. Peterbur, CHLB Nga; tại Hội nghị này, IOC sẽ quyết định địa điểm và thời gian họp của năm 2010.

2- Hội nghị Mỏ Thế giới kết hợp Triển lãm công nghệ, thiết bị và sản phẩm mỏ thông thường từ 2 đến 3 năm tổ chức một lần. Năm nay được tổ chức tại các thành phố: Kracow, Katowice và Sosnowiec là những thành phố gắn liền với các lâu đài, cung điện cổ kính, di tích lịch sử, các Trường đại học, các Công ty, các Cơ quan nghiên cứu khoa học về mỏ và là vùng mỏ tập trung lớn nhất của Ba Lan. Hội nghị Mỏ Thế giới lần thứ 21 có 42 nước với 2200 đại biểu tham dự, ngoài các báo cáo ở hội trường chính còn có hàng trăm báo cáo chuyên đề ở 6 tiều ban và toàn bộ hoạt động được diễn ra trong 6 ngày tại ba thành phố nói trên. Cho đến nay Hội nghị mỏ Thế giới đã được tổ chức luân phiên tại 19 nước, kỷ lục về số người đến dự đông nhất là hội nghị và triển lãm mỏ tại Las Vegas, (Mỹ) có 100 nước với 36.600 người đến dự. Hội nghị năm nay trùng vào thời điểm 50 năm Hội nghị Mỏ Thế giới đầu tiên tại Warsawa năm 1958 và tuần lễ Hội truyền thống của ngành mỏ Ba Lan, do vậy được tổ chức rất trọng thể thông qua nhiều hoạt động phong phú và độc đáo ở các nơi công cộng và các doanh nghiệp mỏ như: Chương trình văn nghệ: “Truyền thống ngành mỏ và bước nhảy qua da”, dạ hội mỏ “ Dưới bóng cây sồi”, và diễu hành, biểu diễn hoà nhạc, kèn đồng, khiêu vũ...Khắp nơi trên đường phố là băng rôn, biểu ngữ chào mừng Hội nghị Mỏ Thế giới, chào mừng truyền thống ngành mỏ, cờ và hoa là sự vui mừng, hân hoan của người dân đất mỏ...

3- Ba Lan là một nước nằm ở vùng trung châu Âu, có diện tích tương đương Việt Nam với số dân khoảng gần 40 triệu người. Những năm gần đây, mỗi năm nước bạn khai thác khoảng trên 90 triệu tấn than, ngoài ra còn khai thác đồng, các khoáng sản kim loại và nhiều loại vật liệu xây dựng... Hội Mỏ Ba Lan có tên gọi đầy đủ là: “Hội các Kỹ sư và Kỹ thuật mỏ Ba Lan” được thành lập năm 1892, cách đây 116 năm, khi đó Ba Lan còn đang bị đô hộ bởi nước ngoài, nên Hội nghị thành lập phải họp tại nước Đức và ban đầu phải hoạt động bí mật. Theo ông Quyền Chủ tịch hội, khi đó không có nước Ba Lan (do bị đô hộ) nhưng vẫn có Hội Mỏ Ba Lan. Hiện nay, Hội có 13.700 hội viên, sinh hoạt trong 166 chi hội cơ sở tại các Công ty, Xí nghiệp mỏ trong cả nước. Các Chi hội này không trực tiếp trực thuộc Trung ương hội mà trực thuộc 17 Liên chi hội tại các vùng mỏ và 2 Liên chi hội ở thành phố. Ban Chấp hành trung ương hội gồm 40 uỷ viên; trong đỏ có: Chủ tịch, Tổng thư ký, 5 Phó chủ tịch phụ trách năm mặt công tác chủ yếu là Lộ thiên, Hầm lò, Quặng, Tài chính và Đào tạo; 19 uỷ viên kiêm 19 Liên chi hội trưởng phụ trách các vùng.

Hội có quan hệ rất chặt chẽ với Tổng cục Mỏ là cơ quan quản lý nhà nước về Công nghiệp mỏ của Ba Lan. Hội phối hợp với Tổng cục mỏ mỗi năm tổ chức hai lần Hội nghị về quản lý Công nghiệp mỏ. Hàng năm tổ chức Hội nghị thường kỳ với chủ đề “Ngành mỏ hôm qua và hôm nay”. Hai năm một lần tổ chứcHội nghị Bảo vệ môi trường trong ngành mỏ. Hàng năm Tổng thư ký Hội làm việc với các Chi hội trưởng từ một đến hai lần.

Hội Mỏ Ba Lan là cơ quan tư vấn cho Chính phủ về phát triển Công nghiệp mỏ của Ba Lan. Hội có Trụ sở riêng là toà nhà 5 tầng vốn là của Bộ Công nghiệp than Ba Lan giao lại cho Hội. Nguồn thu nhập chính của Hội Mỏ Ba Lan là từ công tác đào tạo và tư vấn, phản biện.

Ngày 9/9/2008, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt nam và Hội các Kỹ sư và Kỹ thuật mỏ Ba Lan đã có cuộc trao đổi rộng rãi về các vấn đề khoa học, công nghệ mỏ, các giải pháp phát triển Hội và sự phối hợp giữa hai Hội trong các hoạt động nhằm phát triển bền vững công nghiệp mỏ của hai nước. Đại diện hai Hội đã ký văn bản thoả thuận hợp tác giữa hai bên; đây là Văn bản thoả thuận lần thứ hai được ký kết kể từ tháng 8 năm 2007 đến nay. Phía Hội Mỏ Ba Lan sẵn sàng hợp tác với Hội Mỏ Việt Nam trong việc trao đổi thông tin, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, công nhân và áp dụng công nghệ tiến bộ vào sản xuất mỏ tại Việt Nam.

4- Tổng cục Mỏ Ba Lan là cơ quan trực thuộc chính phủ được thành lập ngày 24 tháng 6 năm 1922. Tổng cục trực tiếp quản lý nhà nước ngành Công nghiệp mỏ Ba Lan, bao gồm một số mặt công tác chính sau: Tổ chức thanh tra, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn trong khai thác mỏ; đảm bảo sức khoẻ cho công nhân mỏ; khai thác hợp lý tài nguyên khoáng sản; giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và khôi phục môi trường sau khai thác; giám sát hoạt động cấp cứu mỏ; mở và đóng cửa mỏ. Bộ máy của Tổng cục bao gồm hai Cục, bốn Vụ chuyên ngành: Vụ Mỏ, vụ Cơ khí, vụ Điều kiện làm việc, vụ Bảo vệ môi trường và Quản lý tài nguyên khoáng sản; Tổng cục còn có các vụ khác như vụ Pháp chế, văn phòng Nhân sự và Hợp tác quốc tế, vụ Tổ chức cán bộ, vụ Tài chính. Tổng cục Mỏ có 10 Sở Mỏ là các đơn vị trực thuộc, nằm ở các địa phương có mỏ và các công trình ngầm (ví dụ đường hầm metro giao thông ở các thành phố lớn, các mỏ khai thác dầu khí ở biển Ban Tích, các mỏ vật liệu xây dựng thông thường... cũng do các Sở Mỏ, Tổng cục Mỏ kiểm tra). Tổng cục có cơ quan biên tập và xuất bản Tạp chí An toàn lao động và Bảo vệ môi trường trong Công nghiệp mỏ. Nền tảng để thanh tra và kiểm tra là Luật Mỏ Ba Lan. Đồng thời Luật Mỏ Ba Lan cũng phải tuân thủ các Luật liên quan như: Luật Dân sự, luật Quy hoạch không gian, luật Môi trường, luật Xây dựng, luật Nước, luật Bảo vệ các đối tượng trên mặt đất và sửa chữa chúng, luật Phế thải, luật An toàn thiết bị, luật Sử dụng chất nổ và các luật liên quan khác...

Tổng cục Mỏ cũng là cơ quan ban hành các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn nhằm đảm bảo cho sản xuất mỏ được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật như các quy định về số lượng, trình độ công nhân làm việc trong mỏ; yêu cầu về nhân viên và trang bị cho đơn vị cấp cứu mỏ; các giải pháp phòng ngừa sự cố mỏ, cháy mỏ; nội dung các tài liệu và bản đồ mỏ trong quá trình khai thác, khi mở mỏ và đóng cửa mỏ; yêu cầu về tính an toàn của các thiết bị lộ thiên và hầm lò, các quy định về tận thu tài nguyên, về các nội dung kiểm tra trình độ giám đốc mỏ, trắc địa trưởng và đội trưởng cấp cứu mỏ v.v...đó cũng là những nôi dung chủ yếu mà Tổng cục Mỏ, các Sở Mỏ phải tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Tổng cục Mỏ cũng là cơ quan theo dõi và quản lý trực tiếp mỏ thử nghiệm các thiết bị mới, cho phép các thiết bị mới vào hoạt động vàíap dụng các tiêu chuẩn mới tại mỏ nhằm đảm bảo mức an toàn cao nhất trong sản xuất mỏ.

Tổng cục Mỏ Ba Lan có quan hệ hợp tác quốc tế và gặp gỡ hàng năm với cơ quan quản lý mỏ của Cộng đồng Châu Âu, Sec, Slôvakia, Đức... là các nước láng giềng và Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước khác ở Châu Âu. Mọi quy định của Tổng cục đêu tuân thủ theo hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO. Hiện nay Tổng cục Mỏ Ba Lan đang soạn thảo sửa đổi và bổ sung để trình Chính phủ và Quốc hội ban hành Luật Mỏ mới của Ba Lan phù hợp với những yêu cầu về khai thác tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trưòng trong điều kiện mới.

5- Gìn giữ môi trường là một thành công lớn của ngành Công nghiệp than Ba Lan, Ở vùng mỏ rộng lớn, nhưng ở những nơi không có công trình trên mặt đất là ở đó có rừng cây, rừng cây dọc theo các đường cao tốc, các đường khu vực, ven các thị trấn, các ngôi làng, xung quanh các công trình... đâu đâu cũng thấy trồng các cây Sồi, cây Bạch Dương, các loại cây điển hình của châu Âu về lớn nhanh và thẳng, mùa xuân nảy lộc, mùa hè xanh tươi, mùa thu vàng rực rỡ; bên cạnh các rừng cây là hồ nước trong xanh hay các bồn hoa khoe đủ sắc màu. Công ty than Weglowa S.A nằm ở phía nam, là công ty lớn nhất Ba Lan có 16 mỏ và 5 đơn vị phụ trợ. Trong số mỏ đang hoạt động hiện nay, mỏ lâu nhất đã 71 năm, mỏ muộn nhất 12 năm. Sản lượng năm 2007 của toàn Công ty là 46,4 triệu tấn than, chiếm 53% sản lượng của cả nước. Trong đó chủ yếu là than luyện cốc, than năng lượng của Công ty chỉ chiếm khoảng 6-7%. Trước tình hình khan hiếm năng lượng, khối lượng than xuất khẩu của Công ty đang có xu thế giám dần, năm nay 9,5 triệu tấn, năm 2009 là 9,1 triệu tấn, đến năm 2015 theo kế hoạch chỉ còn xuất khẩu 4,9 triệu tấn.

Công ty có một nhà máy nhiệt điện 800MW và đang hợp tác với Cộng hoà Czech xây dựng thêm một nhà máy có công suất 400MW.

Tuy nhiên đến đâu cũng thấy môi trường trong sạch, không thấy bụi than trên đường cũng như trên mặt bằng công nghiệp mỏ. Các bãi thải cũng đã phủ đầy cây xanh. Điều đáng ghi nhận là công tác khôi phục môi trường mỏ Bạn làm rất tốt, đoàn chúng tôi có dịp đến thăm Trung tâm Silesia-City là một khu thương mại lớn, khó có thể nghĩ rằng đây vốn là một mỏ than hầm lò lớn “đã từng than bụi lầy bùn”. Ngày nay bên cạnh khu thương mại người ta vẫn còn để lại một tháp giếng và nhà điều hành mỏ “làm chứng tích của một thời oanh liệt” đã sản xuất hàng trăm triệu tấn than cho đất nước.

Chat hỗ trợ
Chat ngay